Đào tạo nhân lực y tế: Phải đi trước, đón đầu. |
Đào tạo nhân lực y tế: Phải đi trước, đón đầu.
Nhân lực y tế là một trong những nguồn lực, thành phần quan trọng nhất của hệ thống y tế, liên quan trực tiếp đến chất lượng chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người bệnh và công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Quán triệt quan điểm này, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế để đáp ứng đội ngũ nhân lực "vừa hồng, vừa chuyên" đã được ngành y tế đưa ra tại Hội nghị "Triển khai quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020" vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội..
Phấn đấu có 52 cán bộ y tế/10.000 dân: Trung cấp Y Hà Nội
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với các thách thức về nhân lực y tế bị thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu và phân bố vùng miền... Do đó, theo GS. TS. Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, công tác "Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020" được ngành y tế tập trung vào việc phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, đồng thời nâng cao năng lực quản lý điều hành nhân lực y tế; xây dựng chế độ, chính sách môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân lực y tế, đặc biệt là ở các vùng miền núi, khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và một số lĩnh vực kém có sức hút nguồn nhân lực.
Theo Bộ Y tế, ước tính nhu cầu nhân lực y tế đến năm 2015, Việt Nam cần tới 444.500 người, với thực trạng hiện nay cần bổ sung 14.252 nhân lực. Trong đó bác sĩ là 29.500; dược sĩ: 15.550 và điều dưỡng (đại học và trung cấp): 57.270. Ngành y tế cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 52 nhân viên y tế (tất cả các chuyên ngành)/10.000 dân; 10 bác sĩ/10.000 dân; 20 điều dưỡng/10.000 dân... Để dần đáp ứng nhu cầu này, trong những năm qua cùng với hệ đào tạo chính quy, ngành y tế đang triển khai nhiều loại hình đào tạo như chuyên tu (đào tạo bác sĩ, dược sĩ trong 4 năm), hệ vừa học - vừa làm, cử tuyển, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, triển khai mô hình đào tạo bác sĩ gia đình.
Bên cạnh đó, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành y dược tại các trường đào tạo nhân lực y dược đều được gia tăng... Đồng thời, ngành y tế cũng mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế tại các vùng miền, đặc biệt sẽ tiến đến thành lập 2 trường ĐH Khoa học sức khỏe tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh...; mở rộng mạng lưới cơ sở thực hành cho sinh viên các trường y dược.
Bác sĩ về huyện nghèo được ưu tiên tuyển dụng
Một trong những giải pháp để ngành y tế nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là chất lượng KCB tuyến dưới, góp phần giảm tải cho tuyến trên và hướng đến công bằng trong thụ hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa các vùng miền trong cả nước, theo PGS.TS. Trần Quốc Kham - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, ngành y tế đang tập trung nhân lực cho 62 huyện nghèo nhất nước. Theo đó, đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo cũng bắt đầu khởi động, có 40 bác sĩ tốt nghiệp từ năm 2012 - 2014 ở ĐH Y Dược Thái Nguyên, ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Hải Phòng đăng ký về công tác tại các huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng... Các sinh viên này sẽ được học chuyên khoa 1, chuyên khoa định hướng, để có thể khám chữa bệnh độc lập ngay sau khi về huyện và sẽ được ưu tiên tuyển dụng về sau.
Việt Nga (theo SKĐS)
|
Không có nhận xét nào