Xét tuyển Đại học Ngành Y - Dược năm 2015 có gì khác?
Đây là vấn đề nóng được hiệu trưởng các trường Đại học Y- Dược cả nước bàn thảo tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường Đại học Y -Dược Việt Nam diễn ra trong cả ngày 10/10 tại Trường ĐH Y Hà Nội.
Tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi quốc gia
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) Y – Dược, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết chỉ còn 5 ngày nữa (ngày 15/10) là đến thời hạn các trường ĐH, CĐ phải nộp cho Bộ GD&ĐT đề án phương thức tuyển sinh riêng năm 2015. Do đó, PGS.TS Đức Hinh đề xuất tuyển sinh của khối trường Y- Dược sẽ tuyển bằng kết quả thi các môn Toán, Hóa, Sinh trong kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh những ý kiến đồng tình xét tuyển theo khối thi truyền thống, lại có những đề xuất phương án xét tuyển tổ hợp 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sinh với trường Y; và Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa đối với trường Dược để thí sinh giảm bớt được một môn thi.
Sinh viên ngành y trong giờ thực hành |
Cũng về nội dung này, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đề xuất các trường có thể tổ chức sơ tuyển dựa vào kết quả học các môn Toán, Hóa, Sinh trong những năm học phổ thông. Tại hội nghị, đa số các ý kiến đều đồng tình với đề xuất của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh. Theo đó, năm 2015 các trường khối y, dược sẽ tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia mà không tổ chức thi riêng.
Trước đó, Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ tuyển sinh đại học theo khối, chuyển sang tuyển sinh đại học theo môn và cho phép các trường được tự chủ hoàn toàn việc tổ hợp các môn để phù hợp với đặc thù đào tạo của trường. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, Bộ đã có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng khuyến khích các trường giữ ổn định các khối thi để tránh thiệt thòi cho học sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức cụm thi chuyên Y (khối B) cho những thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Y Hà Nộivà các trường Y trên cùng địa bàn. Về phương án tuyển sinh của ĐH Y Hà Nội, GS Nguyễn Đức Hinh cho biết sẽ dựa vào kết quả sơ tuyển và thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường sơ tuyển tất cả các đối tượng thí sinh (trừ những em thuộc diện tuyển thẳng) có tổng điểm trung bình của 3 môn Toán, Sinh, Hóa từ 7 điểm trở lên đối với hệ bác sỹ, 6 điểm trở lên đối với các hệ cử nhân.
“Thầy thuốc cũng cần giỏi văn, ngoại ngữ”
Trước rất nhiều ý kiến băn khoăn của các hiệu trưởng trường y- dược tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế đồng tình với phương án các trường ĐH y, dược là sẽ tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi quốc gia.“Các trường nên xét tuyển theo định hướng chung của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, về môn xét tuyển trong năm 2015, Bộ trưởng gợi ý: Các trường nên lấy điểm của 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại Ngữ. Ngoài ra, đối với các trường ĐH y xét thêm điểm môn Sinh học, các trường ĐH dược xét thêm điểm môn Hóa học vì theo quan điểm của Bộ trưởng “thầy thuốc cũng cần phải giỏi văn, giỏi ngoại ngữ”.
Cũng liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra thông tin sắp tới Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. “Ở đó sẽ không dạy chuyên môn mà dạy các kiến thức và kỹ năng liên quan đến quản lý như: kinh tế y tế, quản lý bệnh viện... Cùng với đó, bằng của sinh viên ngành Y sẽ do các Hiệu trưởng ký, nhưng các chứng chỉ nghề sẽ do lãnh đạo các bệnh viện ký”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không phải hệ cử tuyển đồng nghĩa với học kém
Một chủ đề cũng “nóng” không kém phương án tuyển sinh tại hội nghị này là công tác đào tạo nhân lực y tế theo hình thức cử tuyển hiện nay của các trường y-dược.
Bàn về công tác đào tạo cử tuyển, Hội đồng hiệu trưởng các trường Y, Dược Việt Nam đã thảo luận về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Hội đồng nhất trí cao về chủ trương đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Và, cũng khuyến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Cụ thể là tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng quy hoạch nhu cầu đào tạo cử tuyển dựa trên đề án việc làm của các địa phương và tập trung đào tạo ở một số trường có nhiều kinh nghiệm và truyền thống đào tạo cử tuyển.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, từ khi lên làm Bộ trưởng, mỗi lần đi công tác địa phương, Bộ trưởng đều dành thời gian để đến các y tế tuyến xã, xem từng sổ khám bệnh... sau đó mới họp ở huyện và tỉnh. Theo đó, nhiều nơi báo cáo là dư thừa nhân lực ngành y. Nhiều tỉnh từ giờ chỉ tuyển hệ chính quy chứ không tuyển các hệ khác. Tuy nhiên, cũng có địa phương còn thiếu nhân lực ngành y, nên vẫn phải tiếp tục chính sách cử tuyển.
Tại hội nghị, các trường ĐH khối Y - Dược cho biết, không phải hệ cử tuyển đồng nghĩa với học kém. Ví dụ, trong số hơn 500 em hệ cử tuyển của ĐH Y Dược Cần Thơ thì năm học vừa qua có 24% khá và giỏi, hơn 49% trung bình - khá, 22% đạt trung bình, còn lại là yếu và kém (dưới 20 em).Tương tự, nhiều trường khác như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Thái Bình...cũng cho thấy, không phải đối tượng nào hệ cử tuyển cũng học kém. Nhưng nhiều trưỡng vẫn mong muốn, phải tìm cách nâng cao chất lượng đầu vào, hạn chế cử tuyển, tăng cường đào tạo y bác sĩ tại chỗ.
Không có nhận xét nào